Cửa hàng xăng dầu than khan hàngBị cắt nguồn cung và siết phí hoa hồng, một số đơn vị cho biết sẽ lên kế hoạch làm đơn xin đóng cửa hàng xăng dầu. Còn đầu mối khẳng định, do đang "lỗ nặng nên cửa hàng phải cùng san sẻ khó khăn".Anh Hoàng, chủ một cửa hàng xăng dầu ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, mấy ngày nay, cửa hàng của anh rất khó nhập nguồn. Đăng ký nhập 20.000 lít nhưng đầu mối từ chối vì lý do... hết xăng. Anh kể, một người bạn sở hữu 10 cây xăng nhờ anh "dựa vào mối quan hệ để lấy hàng", nhưng anh cũng đành chịu vì "thân mình còn chưa lo xong".
Cùng tâm trạng với anh Hoàng, Yến, chủ cửa hàng xăng dầu ở Thường Tín cho hay, chị xin nhập khẩu 17.000 lít xăng nhưng bất thành. Ngoài ra, phí hoa hồng cũng bị giảm xuống còn 100 đồng thay vì 210 đồng như cách đây một tuần. Chị Yến cho biết, phí vận tải từ Hải Phòng về Hà Nội đã hết 200 đồng mỗi lít, tính ra, nếu có hàng để mua, mỗi lít xăng sẽ bị lỗ 100-150 đồng. Trước đó, theo hợp đồng ký kết, mỗi tháng chị được nhập 300.000 lít xăng. Để đối phó với tình trạng trên, nhiều cửa hàng phải hạn chế khách. Chị Yến cho hay, chị phải bán hạn chế, từ chối tất cả khách hàng mua sỉ như của khu công nghiệp, chủ công trình xây dựng... "Nếu mấy hôm nữa vẫn không được nhập, tôi sẽ xin đóng cửa tạm thời", chị nói. Anh Hoàng Huy (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng chia sẻ, anh đã "thông báo bằng miệng" và sắp gửi đơn tới đội quản lý thị trường khu vực để xin đóng cửa tạm thời vì không nhập được hàng. Nguyên nhân, được anh Huy nêu rõ, tuần trước, anh chỉ nhập được 2 xe với khoảng 4.200 lít nhưng nay đã bán "hết veo". Anh giải thích, do nhiều cửa hàng ở quanh khu vực đóng cửa nên khách đổ dồn vào cửa hàng anh khiến sức tiêu thụ tăng mạnh. Trong khi đó, thông thường, cửa hàng chỉ bán hết 1.300 - 1.400 lít xăng mỗi ngày. Chi phí hoa hồng hiện cửa hàng anh Huy được hưởng chỉ có 50 đồng mỗi lít xăng, trong khi đó, cước vận tải đã lên tới 250 đồng mỗi lít. "Tính ra, nếu xoay mọi cách để nhập hàng thì cửa hàng sẽ bị lỗ 200 đồng mỗi lít", anh than. Một đầu mối xăng dầu thừa nhận với VnExpress.net, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chi phí hoa hồng công ty ông trích cho đại lý chỉ 50 đồng mỗi lít. Trong khi giá thế giới tăng cao, xăng dầu lại chưa được tăng giá, doanh nghiệp đang lỗ tới 2.000 đồng mỗi lít xăng nên "các đại lý phải chia sẻ khó khăn cùng đầu mối". Lãnh đạo này cho hay, các đầu mối luôn phải đảm bảo 80% nguồn hàng cho các đại lý và tổng đại lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thế giới lên cao, nguồn cung khó khăn thì các đầu mối sẽ ưu tiên cho các đại lý ký trực tiếp, khách hàng trung thành sau đó mới đến các đại lý lấy không thường xuyên. "Phải thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những đơn vị làm ăn thật cũng không ít cửa hàng có nhu cầu đầu cơ, tích trữ xin nhập nhiều hàng để chờ giá xăng tăng", ông nói. Trao đổi với VnExpress.net, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, Vụ đã yêu cầu Sở Công Thương và Chi cục quản lý thị trường vào cuộc, yêu cầu các đầu mối và đại lý xăng dầu đảm bảo nguồn để đời sống người dân không bị ảnh hưởng. Ông Quyền cho hay, trong 7 tháng vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường nước đã kiểm tra hơn 3.880 lượt các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, xử lý 914 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 6 tỷ đồng. Có 30 cửa hàng xăng dầu đã bị tước giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cũng khẳng định, trong bối cảnh khó khăn thì các đại lý xăng dầu cũng như đầu mối phải cùng san sẻ khó khăn, chia sẻ bớt lợi nhuận. "Sau khi rà soát kỹ, dù là, đầu mối, hay đại lý, cửa hàng, đơn vị nào sai sót cũng sẽ bị xử lý nghiêm", ông Quyền khẳng định. Hoàng Lan
Lượt xem: 3998 - Cập nhật lần cuối: 02/09/2012 09:07:06 AM
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn:
| Video clip |